Năm Điểm Yếu Chết Người Biến Troussier Thành Nhà Lãnh Đạo Tồi!

(Bài phân tích dưới góc nhìn “lãnh đạo” và hiểu biết cá nhân, không nhằm đả kích hay xúc phạm ông Troussier)

Nếu coi Đội tuyển quốc gia là một tổ chức, thì Ông Troussier chính là nhà lãnh đạo cấp cao, chịu hoàn toàn trách nhiệm về hoạt động, hiệu quả của tổ chức này, là người hoạch định chiến lược, lãnh đạo, quản lý tổ chức.

Với những gì thể hiện ở đội tuyển hơn một năm qua, có thể nói ông là một nhà lãnh đạo tồi, bất chấp những điểm mạnh vốn có của ông như tư duy chiến thuật, kỹ thuật trong bóng đá hay những thành tích trước đây.

Khi mời và ký hợp đồng với ông, hẳn VFF cũng có những lý do riêng của mình, và những lý do ấy là hoàn toàn có căn cứ, có thể hiểu được. Thế nhưng, điều gì đã biến một nhà lãnh đạo đầy thành tích trước đây thành một nhà lãnh đạo tồi ở đội tuyển Việt Nam? Theo góc nhìn của cá nhân tôi, năm điểm yếu chết người ông đã mắc phải, nhưng không được nhìn nhận và sửa chữa kịp thời, nên hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra.

Một là: Cái tôi quá lớn, tỏ ra mình nguy hiểm

Chúng ta đều nhận thấy lúc nào ông cũng nói đến triết lý riêng, mặc dù đã có những kết quả và tình hình rất tệ tại đội tuyển xảy ra, nhưng ông vẫn theo cái tôi ấy, không chịu lắng nghe và thay đổi.

Ông còn tỏ ra mình nguy hiểm, ngay khi cầm quyền ở đội tuyển, ông gần như phủ nhận những thành tựu trước đây của thầy trò Park Hangseo, phủ nhận một thế hệ cầu thủ đang ở độ chín nhất, giỏi nhất, một mô hình chiến lược thành công và đưa vào đó một giàn cầu thủ trẻ (quá trẻ) để chứng tỏ cái tôi của mình.

Hai là: Tư duy chiến lược sai lầm

Tôi không dám bàn gì đến tư duy chiến lược thuộc chuyên môn bóng đá (ông ấy hẳn là xuất chúng rồi), chỉ nói đến cái cách triển khai, thực thi triết lý và chiến lược bóng đá mà thôi. 

Tư duy nhiệm kỳ: Phủ nhận những thành quả cả về kết quả, mô hình chiến lược, văn hóa ở đội tuyển vốn đang rất tốt của người tiền nhiệm, thiếu tính kế thừa rõ ràng.

Một nhà lãnh đạo không coi trọng việc xây dựng mối quan hệ với các cầu thủ quan trọng nhất, xuất sắc nhất của đội tuyển. Có lẽ đây là huấn luyện viên hiếm có “gây thù chuốc oán” với các cầu thủ quan trọng, phủ nhận họ, thiếu tin dùng, thiếu đồng hành, thiếu tôn trọng.

Một nhà lãnh đạo không phát huy những năng lực lõi, sở trường vốn có của cầu thủ (và đội tuyển), mà tập trung phát huy sở đoản để thực hiện triết lý của mình.

Đặt ra những mục tiêu lớn lao, đánh vào “cơn khát” của người hâm mộ và VFF, nhưng những hành vi thể hiện thì dường như đi ngược với mục tiêu này.

Ba là: Chỉ quan tâm đến chiến lược, không quan tâm đến văn hóa

Văn hóa của cầu thủ, văn hóa của đội tuyển là quan tâm đến tình cảm, sự quan tâm, tôn trọng, phát huy sức mạnh của sự đồng lòng, tính tập thể. Tính trội của tập thể làm nên chiến lược của đội tuyển. Thế nhưng Troussier dường như chỉ quan tâm đến triết lý của riêng mình mà không quan tâm làm thế nào để vận dụng vào thực tiễn ở nội bộ đội tuyển và bóng đá Việt Nam.

Nhà lãnh đạo này cũng không quan tâm đến người hâm mộ Việt Nam. Có thể nói, đây là nguồn lực tinh thần rất lớn đối với các cầu thủ và đội tuyển, tạo nên sức mạnh của đội tuyển, tạo nên những thành quả và thành tích của đội tuyển. Ông xem nhẹ và dường như bị điếc hay vô cảm với điều này.

Bốn là: Tư duy hệ thống yếu

Ông coi trọng “phần tử” phần tử cầu thủ do mình chọn, nhưng không coi trọng mối quan hệ, tình cảm, sự liên kết (liên kết). Kể cả ông chọn được những cầu thủ giỏi nhất theo góc nhìn của mình, nhưng sự liên kết yếu thì sức mạnh đội ngũ yếu. Bó đũa cứng vì bó các chiếc đũa với nhau, nếu tách ra từng chiếc đũa thì sẽ rất yếu.

Nhà lãnh đạo này còn không tạo ra được một mục đích và tầm nhìn bao trùm lên đội tuyển, cuốn mọi người đi theo. Ông tạo ra những mâu thuẫn nội bộ sâu sắc, và những mâu thuẫn này sẽ làm suy giảm sức mạnh của cả đội tuyển. 

(Tôi sẽ có một bài viết khác về tính yếu kém về tư duy hệ thống của nhà lãnh đạo này)

Năm là: Thiếu những gì "tổ chức cần"

Mặc dù Troussier có những điểm mạnh của mình, nhưng ông đang thiếu những gì mà đội tuyển Việt Nam cần nhất: Một người dẫn dắt về tinh thần, tạo ra mục tiêu chung, sự gắn kết chung, sức mạnh tập thể. Người Việt vốn nặng về tình cảm và mối quan hệ, nếu chỉ nói lý (mà cái lý này lại thiếu thuyết phục) thì chắc chắn thất bại.

Cái đích ông đưa ra để thuyết phục VFF và người hâm mộ bằng lời nói dường như không được chứng minh bởi những gì ông làm. Hơn một năm trời đủ để mọi người quan sát thực sự Troussier có đang thực hiện những gì mình nói.

Người Việt vốn là người tình nghĩa, có trước có sau, nhưng ông lại hạ bệ một người mà các cầu thủ và người hâm mộ Việt Nam biết ơn – Park Hangseo

Đội tuyển cũng đang cần là sự ủng hộ của một trăm triệu người yêu bóng đá, yêu đội tuyển, đội tuyển chính là ngọn lửa tinh thần, nhưng ông lại “dửng dừng dưng” với điều này.

Có thể nói, mặc dù có những điểm mạnh, nhưng năm điểm yếu chết người trên đây đã hạ gục Troussier, đưa đội tuyển Việt Nam thất bại trầm trọng mà ai là người tiếp theo sẽ mất nhiều công sửa chữa. Ông trở thành nhà lãnh đạo tồi vì những điểm yếu chết người này – bất chấp đây là điều ông không mong muốn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *